Du hành thời gian cùng với chuyến xe trâu trong "Những đứa trẻ chết già"

Leave a Comment
Khi đọc tiểu thuyết “Những đứa trẻ chết già” của Nguyễn Bình Phương, hẳn là chúng ta sẽ nhận thấy mạch truyện được chia ra làm hai phần chính, và hai phần này, chạy song song đồng thời xuyên suốt cả tác phẩm. Một bên, kể về câu chuyện của người dân ở làng Phan mà trung tâm là gia đình ông Liêm. Và một bên là chuyến xe trâu trên đó có gã đánh xe, hai thanh niên và một người mà tác giả không chỉ đích danh người đó tên gì, chỉ thấy tác giả thâm nhập vào nhân vật ấy và xưng là “ông”. Ở đây, chúng tôi sẽ không có tham vọng phân tích toàn bộ cuốn tiểu thuyết cũng như muốn giải thích những vấn đề có liên quan đến cả hai phần của tác phẩm, mà quan tâm của chúng tôi, chỉ với việc đặt chú ý vào khung cảnh ở đó diễn ra chuyến xe trâu ấy. Và thời gian diễn ra khung cảnh đó dường như đã tạo ra một sức hấp dẫn kỳ lạ, khiến chúng tôi quyết định thực hiện một chuyến du hành cùng với nó.

Cũng trong việc đọc tiểu thuyết này, nếu người đọc nào có am hiểu về vật lý hiện đại hẳn lại là có thể có được nhiều điểm nhìn hơn nữa. Theo một vài hiểu biết hạn hẹp của chúng tôi, thì với việc định hình nên trong mạch truyện diễn ra thông qua nhiều hoàn cảnh khác nhau, ở đây, trong vật lý hiện đại, và nhất là cơ học lượng tử, thì những kết luận suy ra từ thí nghiệm con mèo Schrödinger (Schrödinger’s cat) sẽ chỉ cho chúng ta biết rằng, một hệ quy chiếu khả dĩ được xác định thông qua sự chập chồng các trạng thái khác nhau của đối tượng (lượng tử), điều này ngang bằng với cách mà Hugh Everett (1923-2004) đã giải thích thông qua lý thuyết đa vũ trụ (multiverse), khi ông đưa ra quan niệm về trạng thái tương đối (relative state). Từ những hệ quả của thí nghiệm con mèo Schrödinger đem lại, chúng ta có thể hiểu rằng, trong một thế giới, các trạng thái sự kiện chập chồng và lan tỏa vào nhau, nhưng khi đứng ở thế giới cổ điển (thế giới bình thường mà chúng ta đang sống – thế giới với ba chiều không gian và một chiều thời gian) chúng ta hoàn toàn không nhận ra được điều đó, ở đây phần nào vì chúng ta được đặt vào trong tình huống trước sức ảnh hưởng tuyến tính của thời gian, đóng vai trò như là một chiều kích thứ tư của thế giới vật lý – tức là thế giới hiện thực trong đó ta đang sống và sinh hoạt hàng ngày, nó kéo chúng ta đi theo nó và chúng ta cũng chỉ có thể tồn tại như một điểm trên trục số của nó không hơn không kém. Thế nhưng, khi chúng ta sử dụng khái niệm đa vũ trụ thì bản chất của thời gian dường như đã được đem lại dưới cái nhìn khác đi. Thời gian ở đây không phải mang tính chất biến thiên nữa, nó không phải là sự biến thiên dựa trên việc thay đổi trạng thái này đến một trạng thái khác. Nếu xét trong một tầm mức đa vũ trụ thì các vũ trụ song song đều chứa đựng tất cả mọi cấu hình cũng như khả năng xảy ra của việc thay đổi các trạng thái khác nhau của vật chất thì thời gian chẳng qua chỉ là cách thức thiết đặt các trạng thái ấy thành một dãy.

Đó chỉ là gợi ý của chúng tôi khi cố gắng nêu cách hiểu của mình về vấn đề của cơ học lượng tử để có thể hiểu được việc bố trí các tình huống truyện của tác giả mà thôi. Có như thế chúng ta mới thấy các sự kiện cũng như hoàn cảnh trong truyện được phân chia và dường như được nhắc đến đồng thời như vậy không phải là vô lý. Và cũng như từ đầu chúng tôi đã đưa ra, mục đích của chúng tôi, ở đây chỉ là muốn thực hiện một chuyến du hành cùng với thời gian trên chuyến xe trâu, mà điều quan trọng là phải có được một sự hội nhập vào thế giới nội tâm của người xưng “ông” ấy.

Làm sao để thời gian trong truyện lại có thể tạo lập nên được một không gian, mà chính cái không gian ấy như là kết quả của việc thời gian được kéo dài ra và tạo thành một không gian thực sự cho mỗi sự kiện được diễn ra? Tại sao bằng với việc neo vào dòng chảy ý thức, chúng ta có thể phá vỡ được sức kháng cự của tuyến tính thời gian vốn không thể chấp nhận được những điều mới xem qua dường như có thể xem là nghịch lý như thế?

Chuyến xe trâu hiện lên trên một buổi chiều ảm đạm của hoàng hôn trung du. Bên kia chiếc xe trâu đang đi cũng là đoàn tàu chạy sóng đôi như thế. Trên cuộc hành trình của chuyến xe trâu, theo quan sát, chúng ta thấy dường như là cả một sức sống động của quá khứ đang lấn át hiện tại, từ thế giới nội tâm của người đàn ông dàn dựng nên, và những gì chúng ta đọc được chính là những gì mà người đàn ông này đang nhớ về thời gian trước đây của mình. Ở đây, có thể cũng vì một phần hiện tại – đang là buổi chiều hoàng hôn trung du – có vẻ thích hợp cho tâm trạng của con người khi anh ta sống lại với quá khứ của mình.

Henry Bergson (1859-1941), triết gia Pháp, cho rằng, “mọi ý thức là ký ức nghĩa là bảo tồn và chất chứa quá khứ trong hiện tại.”[[1]] Cũng trong chiều hôm nay, ông đang ngồi trên chiếc xe này, và đi, nhưng trong suốt hành trình bánh xe lăn trên mặt đường ấy lại là cả một đoạn phim với rất nhiều bối cảnh được ông tái hiện nên. Những bối cảnh đó, xuất phát từ hoài niệm trong ông. Điều này lại khiến ta chú ý nhiều hơn đến những biểu hiện của hoài niệm ấy. Lên đường và du hành trở ngược lại quá khứ, đắm chìm trong đó ta mới thấy được quãng đường mà người ấy đã trải qua như thế nào. Hoài niệm kia đã được tái hiện ra sao? Đó là lúc ông nhớ đến em gái của mình đầu tiên. Nhớ về cũng một buổi chiều như thế này khi ông còn nhỏ. Khi đó, ông cùng đi xe với bố ông và em gái ông. Dòng chảy ý thức đưa ta về với trước đây qua hoài niệm.

Tính chất chung của bất kỳ một hoài niệm nào cũng là việc bất xác định được thời điểm diễn ra những gì mình đã trải qua, trong khi, trước mắt mình đang tri giác đến những điều tương tự như thế. Điều này khiến cho “hoài niệm được gợi ra là một hoài niệm lơ lửng giữa trời, không có điểm tựa ở quá khứ.”[[2]] Nói một cách rành mạch rằng, không có điểm tựa ở quá khứ chính là việc xác định một vị trí và thời điểm mà sự kiện được tái hiện ra, bảo rằng, tương tự đã từng xảy ra như thế rồi. Đó là thước phim được kết nên khi ông nhớ về lão Hạng, kể lão Hạng mê cây, kể chuyện con lão Hạng chết, rồi đến lão chết, và vì sao quen được lão Hạng – trong một chiều đi làm về trú mưa. Sau lão Hạng ông lại nhớ đến trận đánh không dùng súng với đối phương, ông nhớ đến Chí – người đồng đội và cũng là đồng hương hy sinh trong trận đánh đó. Ông lại nhớ về lão Biền – thợ cắt tóc và cũng là bạn ông. Rồi ông nhớ đến chị Cải – con bác Lung, anh của mẹ ông. Nhưng không chỉ chừng đó, ông còn nhớ về ông ngoại, nhớ người thợ mộc tên Quang, nhớ về câu chuyện giữa bố ông và ông Trạch – bố của Chí. Qua đó, chúng ta mới thấy được rằng, những gì được dấy lên từ hoài niệm thì “nó lấn nhập một cách rất tự nhiên vào thế giới hiện thực.”[[3]] Cả một quá trình ông nhớ lại, tái hiện lại chúng đã phân bố vào trong các sự kiện, và cũng chính những sự kiện ấy đã trở thành sự tiếp nối cho cả một quá trình chiếc xe trâu đang chạy.

Điều khó hiểu nhất ở đây chính là cách mà hoài niệm tạo ra một khoảng trống cho dòng chảy ý thức đổ vào trong đấy những gì đã được bơm lấy sức sống (sức tái hiện). Trong phân tích của Trần Đức Thảo về tính biện chứng của giây phút hiện tại, ông cho rằng hiện hữu được đặt trong một động lực chuyển tiếp những gì tồn đọng từ quá khứ và không ngừng đổ dồn về phía tương lai. “Sự nối tiếp của thời gian luôn bao hàm trong chiều sâu của nó một sự lắng đọng từ trên xuống, vận hành như được lưu trữ từ dưới lên.”[[4]]

Chuyến xe trâu trong chiều hoàng hôn là một sự kéo dài của những gì rơi rớt lại từ quá khứ đến hiện tại. Khả năng thâm nhập và trao đổi sự có mặt của nhau giữa quá khứ và hiện tại lại được đáng chú ý hơn khi sức ảnh hưởng của hoài niệm luôn lấn át những giây phút ông ấy sống trong hiện tại. Trong một sự trầm tư và đấy cũng chính là hoài niệm, ông ấy đã sống lại với những gì mình đã có. Làm sao để thời gian trong dòng chảy ý thức của ông có thể tan ra để hình thành nên những chốn ải nơi đó có ông? Dường như ranh giới của thời gian và không gian trong truyện đã không được thiết lập dựa trên tri giác đúng nghĩa mà phần lớn là dựa trên sự kết hợp hội nhập của hoài niệm vào hiện tại. Và để ý hơn nữa chúng ta sẽ thấy được rằng, những khung cảnh đã được ông ấy tái hiện lại, mà trong đó, các nhân vật nằm trong phần sự kiện của phía bên này gắn với bản thân ông dường như có phần nào đó liên quan đến phía bên kia của một trong hai phần của tiểu thuyết. Cũng như khi mà hoài niệm được khơi dậy, vì tính tạo nét của nó khá mờ, cho nên, dường như sự hội nhập hoài niệm vào hiện tại đã làm cho hành trình của chuyến xe trâu đang đi trong cả hai thế giới – thế giới của thực tế, và một thế giới của huyễn mộng (cuối truyện ông nhìn xuống xe thấy chiếc xe trong suốt). Đó là khi ông nhớ về cái chết của Lão Biền, về đám cưới của Chị Cải. Cảnh Lão Biền chết trong cơn mê sảng và cảnh Chị Cải lên xe về nhà chồng trong bãi tha ma. Một sự lấn nhập cho phép những gì xem như là vô lý lại được kết hợp vào trong quá trình mà sức ứ đọng của hoài niệm có thể tạo ra trong dòng chảy của ý thức nhân vật. Bergson cho rằng, chính hoài niệm đã “biến chúng ta thành máy móc và dẫn chúng ta vào một thế giới kịch trường, một thế giới ảo mộng.”[[5]] Thế giới ấy khiến cho những gì vô lý trong thế giới thực lại trở nên không hề vô lý trong thế giới ảo mộng của hoài niệm tạo ra.

Điều lý giải cho câu hỏi được nêu ra ở trên, đó chính là làm sao thời gian có thể tạo ra được những lát cắt và chính những lát cắt ấy lại là những khung cảnh đại diện như là những không gian. Ở đây, khả năng hội nhập hoài niệm vào hiện tại của thời gian trong dòng chảy ý thức của nhân vật đã tạo ra được lý giải cho câu hỏi đó. Theo Bergson, “người ta không thể liệt nó vào một kinh nghiệm dĩ vãng vì mọi người trong chúng ta đều biết mình không thể sống hai lần cùng một khoảnh khắc của đời mình.”[[6]] Chính vì thế, chỉ có thể thông qua sự hội nhập của hoài niệm vào hiện tại thì những khung cảnh của quá khứ mới được dựng nên hay là cảm tưởng cho rằng chúng có đó trong cùng lúc với hiện tại. Và cũng lưu ý thêm rằng, chúng ta nhìn nhận thời gian tạo ra không gian thông qua những khung cảnh được tái hiện, là đặt chúng trong dòng chảy ý thức của nhân vật, còn lúc mà chúng ta nhìn nhận không gian được đối chiếu giữa hai phần của tiểu tuyết thì bản thân “hoài niệm được rọi ra kia chắc chắn là một phó bản của tri giác hiện tại.”[[7]]

Tại sao khi hoài niệm hội nhập với hiện tại thì ranh giới được đánh dấu giữa các không gian (đặc trưng cho mỗi khung cảnh của tuyến truyện) lại trở nên mờ nhòe đi? Chỉ vì một lý do đơn giản, đó chính là khi hoài niệm hội nhập với hiện tại, bản thân các sự kiện được tạo ra dường như đã rơi vào trong một trạng thái shadowy rõ rệt. Vì được hiện lên trong một tính chất mờ ảo như thế, bởi chúng ta rất khó để có thể hình dung lại toàn bộ đặc điểm của những gì đã diễn ra, và thông qua sự nhớ lại đó, chúng ta khó có được một sự chắc chắn đối với điều đáng được tin cậy về phía các kết quả của hoài niệm tạo ra. Ở trên chuyến xe ấy, ranh giới mờ nhòe biểu hiện ở chỗ chúng ta dường như không thể có được một sự kiểm chứng đối với những gì mà ông ấy nhớ lại có đúng thực với những gì đã từng diễn ra như thế hay không. Vì mạch truyện chỉ là việc đưa ra những gì mà ông ấy nhớ lại mà thôi, ngoài ra không có thêm bất cứ một dấu hiệu nào cho ta thấy được những gì ông ta tái hiện nên như thế là sai. Do đó, khả năng của những sự kiện được ông tái hiện nên mờ nhòe đi là rất bình thường, và cũng ở trong tình huống đó thì sự lên ngôi của shadowy là không thể tránh khỏi trong những gì mà ông ấy nhớ lại.

Và thời gian, nó như một cầu nối giữa quá khứ với hiện tại thông qua hoài niệm, hay chính cái cách neo theo thời gian chúng ta đang đi du hành ở đây lại không đảm bảo cho nó có được một tiến trình hẳn hoi. Đứng về phía chủ đích của bản thân nhân vật, trong dòng chảy ý thức của ông ta, thời gian biểu hiện ra như là hoài niệm được quan niệm không khác đi. Còn trong toàn bộ những sự tái hiện từ hoài niệm của phần này tuyến truyện diễn ra bên cạnh phần kia của tuyến truyện thì thời gian lưu chuyển trong cả hai phần của tuyến truyện đã độc lập tạo nên mỗi không gian riêng biệt (về mặt cổ điển của từng tuyến).

Vậy thì cuộc du hành của chúng ta sẽ đi đến đâu? Ở đây, cũng như ông ấy đã khẳng định, ông không biết đi đâu và về đâu, cho nên tương lai của ông trở nên vô định, cứ thế thời gian triển nở vào tương lai nhưng dòng chảy ý thức của ông không tháp nhập được cùng với “áp lực hướng đến tương lai” (chữ của Trần Đức Thảo). Như thế thì cuộc du hành của chúng ta chỉ có thể dừng lại ngang đây, khi chỉ biết quay về với quá khứ thông qua hoài niệm của chính bản thân ông ta. Một sự đi về với quá khứ, chỉ có như thế trong suốt cả hành trình lăn bánh của chuyến xe trâu. Hoài niệm hội nhập hiện tại tạo nên điều đó, điều mà như chúng tôi đã thừa nhận là nó đã tạo được sức hấp dẫn lên chúng tôi. Câu hỏi cuối cùng mà chúng tôi muốn đặt ra, đó chính là, liệu rằng trong cả quá trình hoài niệm hội nhập hiện tại như thế thì cơ sở để tạo nên tính liên tưởng trong khi thực hiện quá trình thông hiểu các sự kiện, cũng như biểu tượng mà hoài niệm tạo ra, có được giữ đúng với tính chất hợp lý của một trật tự nào đó trong ý thức của người ấy hay không? Và nếu như người đó là một nhà văn thì sự trì giữ ấy, nếu có hợp lý thì sẽ hợp lý với một mức độ nào? Ngang đây, kể như cũng nên khép lại một chuyến du hành, dù không xa lắm nhưng cũng đã rất thú vị cùng với “Những đứa trẻ chết già” của Nguyễn Bình Phương.

PHẠM TẤN XUÂN CAO


[1] Henry Bergson (1962), Năng lực tinh thần, Cao Văn Luận dịch, Huế: Nxb ĐH Huế, tr.8.


[2] Henry Bergson, Sđd, tr.104.


[3] Henry Bergson, Sđd, tr.102.


[4] Trần Đức Thảo (1993), Luận lý hiện tại sinh động, Nguyễn Hoài Vân dịch, đăng tải trên trang: triethoc.hnue.edu.vn


[5] Henry Bergson, Sđd, tr.102-103.


[6] Henry Bergson, Sđd, tr.105.


[7] Henry Bergson, Sđd, tr.104.

0 comments:

Post a Comment