Dấu ấn hậu hiện đại qua truyện ngắn "Tên cớm và bản thánh ca" của O'Henry

Leave a Comment
1. Vài nét về chủ nghĩa hậu hiện đại
 Chủ nghĩa hậu hiện đại (postmodernism) là một thuật ngữ được dùng trong nhiều lĩnh vực tư tưởng, từ triết học, mĩ học, các ngành phê bình, nghiên cứu nghệ thuật, trong đó có văn học.
Thuật ngữ chủ nghĩa hậu hiện đại lần đầu tiên được dùng trong cuốn sách xuất bản năm 1917 của nhà triết học người Đức Rudolf Pannwitz. Nhiều nhà nghiên cứu sau Rudolf Pannwitz đã phát triển ý nghĩa của thuật ngữ này, trong đó một số tên tuổi như Ihab Hassan, Jane Jacobs, Michel Foucault, Jean-Francois Lyotard, Richard Rorty... Có thể xem Jean-Francois Lyotard là người tiên phong trong việc vận dụng thuật ngữ này vào nghiên cứu văn học với cuốn “La condition postmoderm”(1979). Cũng còn có rất nhiều ý kiến cho rằng cái gọi là hậu hiện đại chỉ là một khái niệm của những kẻ hư vô chủ nghĩa tưởng tượng ra mà thôi. Tuy nhiên xu thế chung vẫn là người ta đang dần dần chấp nhận lý thuyết này. Vậy thật ra văn chương hậu hiện đại là gì? Nó có những đặc trưng nào để có thể khu biệt với văn chương hiện đại khi mà cái thời gọi là hậu hiện đại đang tồn tại ngay trong thì hiện tại chưa hoàn thành của chúng ta (thuật ngữ của Bakhtin)? Theo các công trình nghiên cứu, khái niệm chủ nghĩa hậu hiện đại dần dần được hình thành, và được định nghĩa như một hệ hình lí thuyết mới phù hợp với sự phát triển của khoa học kĩ thuật gắn liền với cuộc sống, tâm tư, tình cảm của con người. Một cách nhấn mạnh trong việc hiểu khái niệm Hậu hiện đại như Lyotard cũng phần nào giúp người nghiên cứu nhận ra bản thể chính của xã hội, hoặc trong các tác phẩm văn học: “Hậu hiện đại là sự hoài nghi đối với các siêu tự sự. Nó hiển nhiên là kết quả của sự tiến bộ của các khoa học; nhưng sự tiến bộ nàu đến lượt nó lại tiền giả định sự hoài nghi đó. Tương ứng với sự già cỗi của cơ chế siêu tự sự trong việc hợp thức hoá là sự khủng hoảng của nền triết học siêu hình học, cũng như sự khủng hoảng của thiết chế đại học phụ thuộc vào nó”. Có vẻ như hơi trừu tượng với khái niệm này, chúng ta có thể hiểu một cách đơn giản hơn nữa trong khái niệm của Nguyễn Hưng Quốc: “Chủ nghĩa hậu hiện đại có nhiều cấp độ: rộng, nó chỉ những điều kiện văn hoá, triết lí sống và phong cách sống của cả một thời đại; hẹp, nó chỉ một trào lưu sáng tác với quan điểm mĩ học và kĩ thuật cũng như thủ pháp riêng khác với những tác phẩm ra đời trong quỹ đạo hiện đại chủ nghĩa trước đó”….
Cuối cùng chúng ta có thể thấy rõ nhất sự khác biệt của lí thuyết chủ nghĩa hậu hiện đại với các thời kì trước nó chính là việc đổi mới lối tư duy trong sáng tạo, hay nói cách khác đó là chủ nghĩa của “tự do”, được phép thể hiện tất cả những vấn đề trong cuộc sống xã hội cũng như trong đời sống tâm hồn của con người. Chủ nghĩa hậu hiện đại cuối cùng vẫn là một sự quay trở về đầy ẩn dụ với cái nguyên bản của khối hỗn độn thời kì nguyên thuỷ. Nhưng, nó vẫn là những cái mới, những cách thể hiện hết sức tự do, thoát khỏi kiểu đại tự sự truyền thống và cổ suý cho những tiểu tự sự, như một kiểu chia nhỏ, tách nhỏ vấn đề đời sống trong sáng tạo nghệ thuật vậy.

2. O’Henri và phong cách
O’Henry tên thật là William Sydney Porter sinh ngày 11 tháng 9 năm 1862 trong một gia đình thầy thuốc ở Grinsboro bang Carolina phía bắc nước Mỹ. Ông viết chừng 300 truyện ngắn, in thành tập Cabbages and Kings, 1904 (Bắp cải và vua chúa), The Four Million, 1906 (Bốn triệu), Mearts of the West, 1907 (Những tấm lòng của miền Tây), The Gentle Garafter, 1908 (Tay bịp bợm đáng mến), Rolling Stones, 1913 (Đá lăn), và một truyện dài. Ông dùng cấu tứ mới mẻ, ngôn ngữ khôi hài, thủ pháp đột biến biểu hiện xã hội Mỹ đầu thế kỷ 20, mở ra con đường truyện ngắn kiểu Mỹ.
O’Henry thường nói: “Tôi ước ao được sống suốt đời trên mỗi đường phố New York. Mỗi nhà trên đường phố có một tấn kịch riêng, và ta không bao giờ hết ngạc nhiên trước những kỳ quan của thị thành mà mỗi góc đừơng lại như sắp có chuyện gì xảy ra. Có người bị cướp giật trong công viên và chỗ kia nghe nói có người trước đây sáu tháng nghèo rớt mồng tơi mà nay đã cưới được con gái nhà triệu phú. Có những bác thợ từ vùng mỏ Sierra lần mò đến đây lập nghiệp, và đôi khi người ta lại còn gặp một người đi suốt ngàn dặm để đến gặp một người bạn thân. Chàng nhạc sĩ chơi dương cầm trong quán rẻ tiền nọ rất có thể đã từng bắn được sư tử ở Phi Châu, anh bồi phòng kia trước đây có thể đã từng ở trong quân đội Anh đi đánh dân Zulus…”. Có thể nói đó là một sự bày tỏ mà chúng ta đã bắt gặp qua từng tác phẩm, từng câu chuyện ngắn của nhà văn như một minh chứng cho phong cách của O’Henri. Phong cách của O’Henri vừa là cổ điển, vừa là lãng mạn, nhưng cũng hết sức đậm chất hiện thực. Chính sự kết hợp đa dạng này, làm cho tác phẩm của ông có sức hút rất lớn đối với đọc giả trên thế giới…
Thành công của ông dựa vào bố cục thông minh và đối thoại lời thông tục, cách sử dụng tiếng lóng, khẩu ngữ cùng với những phương pháp mới miêu tả lịch sử lãng mạn, hài kịch và bi kịch của đời sống bình thường. Alphonse Smith đã nói: “O’Henry so sánh với W.Irving, so sánh với E.Poe, so sánh với F.Harte trên văn đàn Mỹ chiếm địa vị riêng biệt. Irving là dùng thủ pháp lãng mạn, thêm vào sinh mệnh mới cho truyền thuyết kể bằng miệng, E.Poe dùng kỳ tài đáng kinh ngạc của ông, xác định địa vị nhà viết truyện ngắn, Harte là dùng phương ngữ, khiến tác phẩm của ông lộ rõ màu sắc địa phương nồng đậm, O’Henry là vượt lên khỏi thời gian và địa phương, trong truyện ngắn của ông biểu hiện sâu sắc và chân thực tính người phổ biến nhất bất biến bất diệt.”

3. Dấu ấn hiện đại trong truyện ngắn: “Tên cớm và bản thánh ca”
Vẫn là chiếc lá, hình tượng đã bắt gặp trong tác phẩm quen thuộc nào đó. Và, tiếp tục thêm một chiếc lá nữa - chiếc lá vàng rơi báo hiệu mùa đông. Một mùa không dành cho người dân nghèo. Soapy - một thanh niên nghèo quyết định trốn mùa đông khắc nghiệt bằng cách làm một việc gì đó phạm luật để được vào tù. Với anh, nhà tù cũng là một căn nhà, trong đó không lo mưa, lo tuyết. Hàng ngày vẫn được hai bữa ăn. Dù đã làm mọi cách nào ăn trộm, nào gây náo loạn đường phố … nhưng cảnh sát và người ta vẫn coi đó là chuyện bình thường. Mỉa mai thay, khi giữa màn đêm được nghe bản Thánh ca và quyết định làm một người lương thiện thì Soapy lại bị bắt - được đi tù theo như mong ước ban đầu.
Dấu ấn hậu hiện đại dễ dàng nhận ra rõ nét nhất qua dăm trang giấy ở truyện ngắn này chính là sự phi lí trong các tình huống truyện với nhân vật chính là anh chàng Soapy ấy. Để được vào tù, để được vào Khám Đảo tránh rét, và được ăn no, Soapy đã vạch ra một kế hoạch đó là làm việc bất chính. Lần thứ nhất, Soapy nghĩ đến việc sẽ bước chân vào một nhà hàng thật sang trọng, ăn một bữa thật no nê, và khi ăn xong sẽ đứng dậy tuyên bố không có tiền trả, với hi vọng sẽ được người ta trao mình cho cảnh sát. Kế hoạch của Soapy thất bại. Anh bị tống khỏi nhà hàng đó khi vừa bước chân vào bên trong cửa tiệm. Không nản chí, Soapy tiếp tục nghĩ ra kế hoạch khác. Chi tiết này khiến ta bật cười bởi sự phi lí của nó. Soapy cứ ngỡ rằng, nhặt một hòn đá củ đậu ném choang vào cửa kính và đứng yên đợi cảnh sát đến, rồi tự nhận mình là kẻ đã gây ra sự việc ấy, với một mong ước là được đi tù. Nhưng, viên cảnh sát nọ làm sao hiểu được ngầm ý tội nghiệp của anh chàng Soapy này. Làm sao hiểu nổi sự phi lí của xã hội, mà tưởng chừng như nó đã trở thành hiển nhiên? Có đời thuở nào, kẻ phạm tội lại tự nhận mình phạm tội. Có cái lí nào cho kẻ một tay trộm cướp sau khi làm việc bất chính xong, đứng lại cho cảnh sát bắt, ta thấy cái phi lí, ta thấy buồn cười, nhưng ta cũng thấy đáng thương thay cho nhân vật của O’Henri khi: “Viên cảnh sát từ chối không tin lời Soapy dù chỉ xem đó như là một manh mối. Những kẻ đập vỡ tủ kính không bao giờ dừng lại để hội đàm với tay chân của pháp luật. Chúng ù té bỏ chạy ngay…”. Như thế, cũng có nghĩa là kế hoạch lần hai của Soapy tiếp tục thất bại.
Với cách dựng truyện và giọng điệu dí dỏm O’Henri đã đem đến cho người đọc sự cảm nhận từng tình tiết phi lí, một yếu tố không thể thiếu của hậu hiện đại. Phi lí đấy nhưng cũng hoá thành có lí. Giống như hai mặt đối lập nhau trong đời sống nhiều mâu thuẫn của tâm trí con người, giữa lí tính và cảm tính. Trong các tác phẩm của mình, có thể thấy rất rõ “O’Henri để luật pháp chiến thắng, cái ác phục tùng cái thiện” và chính câu chuyện, trong cái phi lí của nhân vật Soapy điều ấy cũng đã thể hiện. Để cuối cùng, mong ước nhỏ nhoi nhất của Soapy là được đi tù chỉ là một tham vọng hết sức buồn cười và phi lí. Đến những tình tiết tiếp theo của câu chuyện, những kế hoạch bất chính tiếp theo của Soapy và những thất bại trong việc cố gắng được đi ở tù, được vào Khám Đảo ba tháng cho qua mùa rét, O’Henri dường như đang cố tình dựng nên liên tiếp sự phi lí ấy để chứng minh cho một cái gì đó. Phải chăng, nhà văn đang cố gắng làm cái việc “khai thác mặt tốt trong tâm hồn những người bị đẩy ra bên lề cuộc đời,…muốn khẳng định hạt nhân tính thiện trong bản chất của con người…” khi triển khai ở góc độ của nghệ thuật dựng truyện, dựa trên những tình tiết phi lí trong các kế hoạch của Soapy. Với những lần hành động tiếp theo, mặc dù Soapy đã cố gắng hết sức để hi vọng việc làm bất chính của mình được mấy viên cảnh sát để mắt tới. Chẳng hạn như: Chuyện gây náo loạn ở đường phố, chuyện trêu gẹo gái trước mặt viên cảnh sát, và chuyện ăn trộm cái ô rồi tự nhận một cách trắng trợn…Nhưng, Soapy càng cố gắng thể hiện mình là kẻ bất chính, thì yếu tố phi lí càng tăng tiến một cách hài hước. Những hành động ấy của Soapy, dường như chỉ khiến cho người đọc bật cười. Cả sáu lần như thế, Soapy đều thất bại, mà không hề nhận ra tại sao mình thất bại? Nếu một người bình thường, khôn ngoan hơn có lẽ, để đạt được mục đích đi tù chắc cũng không khó lắm. Cho rằng Soapy là một kẻ ngốc, chắc người đọc sẽ cảm thấy đỡ phần thắc mắc hơn vì sao Soapy thất bại chăng?
Không đơn thuần chỉ xây dựng nên một nhân vật hài hước, với một mong ước hài hước, và phi lí trái ngược trong truyện ngắn này. O’Henri dường như đang cố gắng khai thác cái thiên lương ẩn sâu nơi tâm hồn con người, hoặc “muốn khẳng định những kẻ bị vứt ra ngoài lề pháp luật ấy chưa hẳn tất cả đều xấu”. Trong sáng tạo văn học, O’Henri đã làm được cái việc đó là “dùng ngòi bút của mình để phủ nhận quan điểm thường tình của người đời là luôn xem tất cả những người vi phạm luật pháp là những người xấu xa, đáng ghét”. Chính Soapy cũng đã cho ta thấy cái vẻ đẹp tâm hồn khi thể hiện lòng tự trọng của chính mình về chuyện ăn uống: “Anh vốn coi khinh những thức ăn người ta lấy danh nghĩa làm phúc ban cho dân nghèo của thành phố. Theo quan niệm của Soapy, pháp luật còn dễ chịu hơn là lòng từ thiện.” Hoặc, những suy nghĩ đầy tính triết lí mà O’Henri để cho nhân vật tự thể hiện: “Mọi thứ nhận được của các bàn tay từ thiện nếu không phải trả bằng tiền thì lại trả bằng sự nhục nhã của tâm hồn…”
Yếu tố phi lí được O’Henri dẫn dắt đến cùng của câu chuyện, đến kết thúc vẫn còn thấy phi lí. Và, bản thánh ca đóng vai trò quan trọng cho việc Soapy nhận ra sự thay đổi của tâm hồn mình. Giống như anh Chí Phèo, một buổi sáng tỉnh dậy sau cơn say, nghe những âm thanh của cuộc sống, mà ao ước muốn được làm hoà với mọi người, muốn được làm người lương thiện biết chừng nào. Ở đây, O’Henri cũng đã xây dựng được sự thức tỉnh ấy, để cho nhân vật của mình tự khai thác cái thiên lương trong tâm hồn. Nhưng, oái ăm thay, khi con người ta bắt đầu nhận ra được đâu là con đường chính đạo để đi, thì xã hội lại vô tình đẩy họ quay trở lại với những lạc lối đến vô lí. Soapy đã nghĩ đến việc sẽ đi xin việc làm, đã nghĩ đến việc: “Anh sẽ là một con người ở đời như ai. Anh sẽ…” Và, câu chuyện được nhà văn dẫn dắt đến một kết thúc hết sức bất ngờ, khi Soapy chẳng làm việc bất chính, nhưng lại được đi ở tù đúng như nguyện ước ban đầu, mà anh năm lần bảy lượt vạch ra kế hoạch. Ba tháng tù ở Khám Đảo. Đó là câu kết thúc. Đáng thương, đáng tội cho Soapy.  Dường như đây cũng là một kết thúc để ngỏ đầy bất ngờ, mở ra cho người đọc nhiều chiều tiếp nhận và suy nghĩ trong truyện ngắn này.

4. Kết luận
Dẫu chỉ là một vài nét nho nhỏ, hay với cái nhìn tinh tế về những góc độ trong xã hội từ cái có lí đến cái phi lí, từ những đối nghịch mâu thuẫn hết sức căn bản đó, O’Henri đã thành công với hàng loạt truyện ngắn mang dấu ấn hậu hiện đại của mình.
“Tên cớm và bản thánh ca” tràn đầy xúc cảm, hài hước trong những hành động của nhân vật Soapy. Nhưng, đến phút cuối, ta bỗng nhận ra: Nụ cười của ta chỉ là một cơ số nhỏ trong ý thức chủ đạo về mặt nghệ thuật của nhà văn, khi chính “bản thánh ca” mới là hình tượng mở nút, làm cho câu chuyện trở nên thật sự nhân văn hơn nữa.
Xuyên suốt cả tác phẩm nếu chỉ chú ý đến những yếu tố phi lí thì thật là một sự thiếu sót. Bên cạnh đó còn là những bút pháp nghệ thuật với giọng điệu giễu nhại, mỉa mai, nhưng cũng ẩn chứa cả một tấm lòng của người cầm bút. Những trang văn O’Henri viết ra, không chỉ để cảnh tỉnh con người, cứu giúp để con người sống đẹp hơn, tốt hơn, mà còn là để thể hiện chính quan điểm của O’Henri: “Thiên chức nghệ thuật là thanh lọc tâm hồn hướng thiện của con người”…

Trần Hương Giang


TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.     Lê Huy Bắc. Hợp tuyển văn học Châu Mỹ (tập 1), NXB Đại học QG Hà Nội, 2001
2.     Lê Huy Bắc. Truyện ngắn lí luận tác gia và tác phẩm (tập 2), NXB GD, 2005

3.     Một số tư liệu khác về lí thuyết hậu hiện đại

0 comments:

Post a Comment