Thế giới nhân vật trong tiểu thuyết Sông của Nguyễn Ngọc Tư

Leave a Comment
Tóm tắt: Nguyễn Ngọc Tư là một trong những nhà văn nữ nổi tiếng ở Việt Nam hiện nay. Chị xuất hiện trên văn đàn vào những năm đầu thế kỉ XXI, nhanh chóng khẳng định tài năng và phong cách qua những truyện ngắn viết về con người và vùng đất Nam Bộ. Gần đây, chị cho xuất bản tiểu thuyết Sông – với nó, chị đã làm nên cuộc chuyển biến mạnh mẽ của chính mình trong hành trình văn chương. Sông tạo dựng một thế giới nhân vật với đời sống tâm lí hết sức phức tạp, qua đó, khiến người đọc suy ngẫm về hành trình đi tìm ý nghĩa cuộc đời.

1. MỞ ĐẦU:

Văn học Việt Nam trong những năm gần đây xuất hiện nhiều cây bút trẻ, đặc biệt là những cây bút nữ. Những tác phẩm của họ ngày càng được bạn đọc và giới nghiên cứu đánh giá cao. Họ không những góp phần đổi mới tư duy nghệ thuật mà còn làm mờ dần nếp nghĩ xưa về văn học vùng miền. Nguyễn Ngọc Tư là một trường hợp như thế. Từ khi cây bút trẻ này xuất hiện thì văn học miền Nam đã có nhiều khởi sắc. Chị đã tạo nên sức hút đối với văn học Nam Bộ nói riêng và văn học Việt Nam đương đại nói chung.

Sau thành công ở thể loại truyện ngắn và tản văn, đặc biệt là “hiện tượng Cánh đồng bất tận”, Nguyễn Ngọc Tư đã chính thức đặt chân vào địa hạt của tiểu thuyết. Tiểu thuyết Sông được đánh giá là độc đáo, đầy tính thời sự mà cũng giàu chất thơ. Nhà văn đã tạo ra một thế giới người cô đơn, mang phức cảm phức tạp, dấn thân đi tìm bản thể giữa một miền sông nước mênh mông. Với Sông, người đọc nhận ra những đặc sắc nghệ thuật mới trong hành trình sáng tạo văn chương của Nguyễn Ngọc Tư.

2. NỘI DUNG

2.1. Con người cô đơn

Tựa sách trong phác thảo ban đầu là Ngàn dặm sông, nhưng sau chỉ gọn một chữ Sông. Có thể xem sông Di là nhân vật chính của tiểu thuyết này. Nó là dòng chảy chính, xuyên qua rất nhiều số phận, là dòng sông của những mảnh đời con con. Nó là khát vọng của đời người. Cuộc sống soi bóng xuống dòng sông khát vọng, hắt lên những cô độc, bấp bênh và buồn thảm. Thân phận con người vừa đau khổ, vừa mong manh. Cái chết có thể đổ ụp lên đầu bất cứ lúc nào. Dòng sông cứ bình thản trôi qua những thân phận bầm dập như thế.

Cô đơn là một trạng thái tâm lí khá phức tạp của con người. Nỗi cô đơn của những con người trong tác phẩm không phải là cô đơn vì không có ai bên cạnh, không có ai chở che mà là họ cô đơn ngay khi có tất cả bên cạnh. Nỗi đau giấu kín mà khó ai có thể phát hiện ra được để đồng cảm, để sẻ chia. Xu cô đơn khi lớn lên trong trại trẻ mồ côi. Ân trong tác phẩm xuất hiện là người có một cuộc sống đầy đủ bên mẹ và những đồng nghiệp thân thiết như anh chị em, nhưng không ai lại biết được rằng đằng sau sự hạnh phúc bề nổi ấy là ẩn chứa một nỗi đau khó diễn tả hết. Ân có cha, có mẹ nhưng cũng chỉ như một đứa trẻ sinh ra trong lạc loài, vô thừa nhận, nhớ mãi cú xô ngã chối từ cay nghiệt của bà nội. Ân cô đơn ngay trên chính hạnh phúc mà mình đang có, nó như là một gọng kìm siết chặt lấy cậu. Trong suốt chuyến đi, dù có bạn đồng hành nhưng Ân vẫn cô đơn vì anh không tìm ra được sự hòa hợp cần có giữa con người với con người, ngay cả khi “Giữa tiếng cười em, tôi bỗng nghe nhoi nhói nỗi cô độc. Hay em có khoác bao nhiêu áo, có che giấu thế nào thì tôi vẫn thấy sự quạnh hiu” [6, tr.145] và đến lúc biến mất thì cái bóng của sự cô đơn vẫn hiện hữu ở trong con người anh.

Nhân vật trong Sông của Nguyễn Ngọc Tư tự ý thức rất rõ về sự cô đơn. Bối cô đơn ở chính gia đình của mình: “Không sóng gió, Bối lớn lên, muốn gì cũng có đòi gì cũng được. Cha mẹ Bối cùng với đứa em gái suốt ngày chỉ biết hùng hục học để kiếm danh vị. Một ngôi nhà có hai giáo sư và một tiến sĩ hoàn toàn không cãi cọ, chỉ là ít nhìn mặt nhau như nhìn mặt sách” [6, tr.80]. Bối đã nhận ra được sự cô đơn, lạc lõng trong chính ngôi nhà thân yêu của mình. Cũng như Ân, Bối quyết định bỏ đi. Nhưng phải chăng trong suốt hành trình bỏ đi này, anh thấy mình vẫn cô đơn thế nên mới quyết định dừng chân một cách bí ẩn và bất ngờ? Rồi thì nỗi cô đơn của San: “Nỗi bơ vơ khi người anh trai bỏ lơ. Những người tình bạc bẽo. Nhớ lần đi nhận giải thưởng Tuổi xanh, lúc nửa đêm ngón tay chị bị bật máu vì con vật nào đó cắn. Lúc đó chị nghĩ là rắn, cảm giác nọc độc đang hồ hởi chạy lên tim, cảm giác máu đang đen lại. Chị gọi Hựu không nghe máy…” [6, tr.220]. Để rồi thuốc ngủ đã giúp chị chìm sâu vào nỗi cô đơn ấy mà như chị đã nói “trốn vào thứ gì đó để quên”. Còn nhiều sự cô đơn ở các nhân vật khác nữa như Cao, như Ánh… tất cả đều cô đơn.

Tuy nhiên, ở đây xuất hiện nghịch lí tạo nên mâu thuẫn trong bản thân nhân vật. Họ biết mình dù có đi suốt cuộc hành trình thì vẫn cô đơn nhưng họ học cách tự chấp nhận và không muốn quay về. Bởi vì nếu quay về thì bản thân mỗi người cũng không biết mình sẽ làm gì ở đó, mình sẽ sống như thế nào hay lại tiếp tục sống luẩn quẩn bế tắc tại cái nơi mà mình đã quyết định ra đi? Thà đi để biết mình đang sống còn hơn là đứng yên để chết mòn trong đau khổ. Ân là một trong những người đã suy nghĩ như vậy. Anh cô đơn trên hành trình nhưng lại không muốn quay về: “Lần này đi không có Tú, nhưng cậu cũng không có ý định về” [6, tr.163]. Cuộc đời, vốn dĩ chẳng ai mong muốn mình cô đơn.

Với Sông, cô đơn trở thành nỗi đau của các nhân vật. Bởi họ cô đơn trên chính mảnh đất mà mình tồn tại. Cũng chính vì quá cô đơn mà con người ta chỉ biết đặt trùng trùng dấu chấm hỏi lặp lại sau cụm từ “ Rồi sao nữa?” và câu hỏi tưởng chừng như bâng quơ đó lại theo bước chân mỗi người đến hết hành trình.

2.2. Con người đi tìm bản thể đích thực của chính mình

Đọc Sông chúng ta thấy nhân vật đang trên hành trình đi tìm bản thể đích thực của mình. Khi cô đơn, con người ta thường dùng mọi cách tìm lại bản thân để cứu vớt những gì đã mất. Có thể nói, hành trình tìm lại chính mình xuất phát từ nhiều khía cạnh, lí do khác nhau: đó có thể là tìm lại chính tên tuổi, nguồn gốc xuất xứ của mình; đó cũng có thể là tìm lại chính bản thân mà lâu nay nhiều người vẫn cố gắng che đậy../

Con người tìm lại chính mình để khẳng định mình là một bản thể của cuộc sống. Cuộc sống của con người là một hành trình mải miết kiếm tìm. Cái thứ mà con người kiếm tìm luôn luôn chập chờn như ảo ảnh. Và chính bản thân người ta cũng không rõ mình cứ mãi kiếm tìm gì? Cuộc sống là sự nỗ lực không ngừng để vượt thoát ra khỏi các giới hạn. Vậy thì sự kiếm tìm cũng là một nỗ lực để vượt thoát lên trên những giới hạn của cuộc sống. Trong Sông cũng là sự kiếm tìm như thế.

Biến mất để tồn tại, để được tìm kiếm, nhớ nhung và nhắc tới, trong chừng mực nào đó, là một ý niệm mới mẻ được tiểu thuyết này đề cập. Ân băn khoăn tự đi tìm những dấu hiệu nhận ra đồng loại, những người giống như mình: “Không phải cậu quan tâm chuyện ngón tay út Bối hay con cớn lên, như một dấu hiệu của đồng – loại” [6, tr.10] hay “Anh ta không có dấu hiệu gì là người giống như mình. Anh ta tỏ ra coi khinh nhóm Qúy bà trên quãng đường đi tới cây bi-ia” [6, tr.128]. Với Xu thì khác, anh cũng đang trên hành trình tìm lại bản thân nhưng hành trình của anh là để trả lời cho câu hỏi: Anh là ai? Anh đến từ đâu?: “Xu cũng giải thích cái sự không nhìn vào bạn đồng hành vì anh ta có thói quen ngắm ngía cảnh vật hai bên đường. Biết đâu tôi được đẻ ra ở đó. Xu nói. Đó là lúc cậu thấy Xu cũng giống mình, đương đầu với một vài câu hỏi khó. Anh ta không biết mình đến từ đâu” [6, tr.53]. Xu không tự biến mất nhưng lại chọn cách kết thúc chuyến du khảo ở Túi, cái rốn của giông gió, nơi sẽ chấm dứt mọi phấp phỏng, phân vân mà cậu từng chia sẻ với Ân. Rồi chính Ân cũng biến mất. Ân mang theo thân thể tinh khiết để vùi lấp vào sông Di, như cách tuyệt tự cơ hội được sống là mình, được phô bày khuyết tật mà số phận đã sắp sẵn.

Mỗi nhân vật trong tác phẩm quyết định ra đi với những mục đích khác nhau nhưng nhìn chung họ đều mang trong mình những băn khoăn, suy nghĩ mung lung, không rõ ràng trên hành trình kiếm tìm của mình, nó thể hiện tinh thần hiện sinh rất rõ nét.

2.3. Con người dấn thân

Từ sự cô đơn, bế tắc với những bi kịch trong cuộc sống các nhân vật trong Sông tìm mọi cách chối bỏ thực tại, tìm cách giải phóng bản thân qua hành trình dấn thân, nổi loạn. Từ đó mà hình thành nên một kiểu con người mới - con người dấn thân, nổi loạn trong văn học mà với Sông thì đó là một kiểu nhân vật tiêu biểu.

Hành động dấn thân đầu tiên mà các nhân vật lựa chọn đó là sự bỏ đi. Quyết định bỏ lại sau lưng công việc, người mẹ và cả người tình đồng tính vừa mới cưới vợ, Ân – nhân vật cậu trong tiểu thuyết quyết định bước vào hành trình khám phá sông Di để tìm sự quên. Bối và Xu quyết định tham gia dấn thân vào cuộc hành trình cùng với Ân ngoài mục đích chung thì cũng có một vài mục đích riêng: “Cả Bối và Xu đều bảo đi đâu không quan trọng, miễn là được đi…” [6, tr.10].

Hành trình bỏ đi của người dân làng Uể U cũng vậy: “Uể U tàn lụi vì những cuộc đi này. Con gái chớm lớn là bỏ đi hết. Con trai chớm lớn một nửa bỏ đi theo đám con gái, nửa còn lại sống với tượng đó và những người già. Người ở lại cứ bải hoải vì những nụ hôn với đá, mà không thiết tha gì với người” [6, tr.148]. Mẹ Ân thì tìm cách dấn thân vào những cuộc tình chóng vánh với những người tình của mình sau khi cha Ân bỏ đi theo người khác. Bà chấp nhận đánh đổi mọi thứ miễn sao sống thật với bản thân để tận hưởng những giây phút đẹp đẽ của đời. Bạn bè Ân như Bách, Duyên... thì lại tự thả mình dấn thân vào vòng xoáy kiếm tiền, bất chấp cả những hành động không đúng thuần phong mĩ tục mà trước đó họ là những người biết quan tâm đến thời cuộc, đến vận hạn của đất nước. Phải chăng trước dòng chảy hối hả của cuộc sống với những thiếu thốn về mọi mặt buộc mỗi người phải tự tìm cách cứu mình để không bị chính nó dìm sâu vào cái hố đen tối tăm của cuộc đời?

Dấn thân hành động để nhân vật khẳng định mình, biết mình đang ở đâu? Làm gì? Và cũng là để biết rằng mình vẫn còn hiện sinh trên dòng chảy của cuộc đời đầy xô bồ này.

2.4. Con người trong phức cảm đồng tính

Với tiểu thuyết Sông, đây là lần đầu tiên Nguyễn Ngọc Tư đưa vấn đề đồng tính vào tác phẩm của mình. Khác với những nhà văn khác như Bùi Anh Tấn, Phạm Thị Hoài…, Nguyễn Ngọc Tư đã tiếp cận mảng này chủ yếu về mặt tinh thần, về nội tâm con người, về những suy nghĩ và dằn vặt của nhân vật chứ không hoàn toàn khai thác những gì thuộc về thân xác và nhục cảm. “Khi viết Sông, nhiều bạn cũng đã hỏi tôi tại sao không đi sâu vào sex, nhục dục, nhưng tôi nghĩ đồng tính không chỉ có sex. Họ cũng có ẩn ức khác, những mối quan tâm xã hội, có đời sống rất bình thường. Viết về đồng tính đâu cứ phải sex. Khi nhà văn đào sâu tâm tư, ẩn ức của họ cũng rất hấp dẫn” Nguyễn Ngọc Tư chia sẻ [1]. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nói: "Đưa chuyện đồng tính vào, tôi cho đó là một sự gia giảm cần thiết và hợp lý, với liều lượng vừa phải và hoàn toàn ăn nhập với câu chuyện. Chính điều này đã không gây cảm giác tác giả đang muốn dùng điều đó để câu khách” [1].

Ân – nhân vật chính trong tác phẩm xuất hiện là người có một cuộc sống đầy đủ, người luôn được mẹ đặt nặng vấn đề trách nhiệm lên vai “vì Ân là đàn ông trong nhà” [6, tr.144] nhưng không ai lại biết được rằng đằng sau sự hạnh phúc bề nổi ấy là ẩn chứa một nỗi đau khó diễn tả hết. Ân sinh ra là nỗi thất vọng của bà ngoại “cậu bỗng hiểu cái điều mà cả thời thơ ấu không bao giờ hiểu được, rằng bà ngoại cậu đã thất vọng đến chừng nào, về sự có mặt của cậu ở giữa đời này” [6, tr.152]. Nhưng trên hết, Ân là một người đồng tính và anh không thể không chấp nhận điều đó. Anh không thể nghe lời mẹ để cưới được một cô vợ mà mẹ anh mong muốn. Quyết định bỏ lại sau lưng tất cả khi biết tin người tình đồng tính cưới vợ để bước vào hành trình khám phá sông Di như là sự tất yếu, là một sự lãng quên để chìm vào hư ảo cuộc đời. Ân liên tục bị chìm đắm vào dòng suy nghĩ miên man về Tú - “người tình” của mình, mặc dù không hành động ra bề ngoài như cách trả lời lại tin nhắn của Tú nhưng thông qua những suy nghĩ, nhớ nhung, liên tưởng triền miên về Tú thì ta cũng cảm nhận được sự sâu sắc, tình cảm chân thành của anh. Có thể thấy, trước lúc Ân bỏ đi thì Ân và Tú cũng đã từng dấn thân vào những suy nghĩ biến mất khỏi đời này sau những chuyến đi chỉ có hai người. Bọn cậu muốn biến mất để được sống cùng nhau, tận hưởng những giây phút hạnh phúc bên nhau mà không có sự ngăn cản, gièm pha của người đời. Nhưng sau khi mối tình ấy chấm dứt thì những suy nghĩ khôn nguôi về Tú hiện lên với tần suất lớn: “Cậu nôn hai lần, cứ ước có Tú vỗ lưng cho, có càm ràm cũng vui. Đáng đời, ai kêu uống cho cố mạng, uống không biết thương chính mình. Tú thường nói vậy. Giờ này Tú làm gì trong tổ, một căn nhà vừa mới mua cuối đường Xuân Diệu?” [6, tr.56]. Liệu chăng, việc chọn cách dấn thân triền miên vào suy nghĩ kèm theo hành động bỏ đi có thể giúp Ân vơi đi được sự bế tắc trong cuộc đời?

Ta thấy được sự giằng xé, đau đớn tâm can trước dòng suy nghĩ miên man về những ham muốn tột độ của cảm xúc mà Ân không kiềm chế được khi nhắc đến những kỉ niệm đẹp nhưng buồn với Tú. Đó là kỉ niệm về thời mới quen biết Tú giữa một cánh đồng hoa cải vàng: “Mùa đông chưa đi được nửa đường rét của nó. Nắng trên những triền núi chảy ròng xuống, khỏa lìm lịm trong thung lũng. Thè lưỡi ra có thể nếm được cái vị thanh thao của nắng. Cậu cũng muốn được những vạt hoa cải vàng nuốt chửng lấy mình, dìm sâu tận đáy” [6, tr.23]. Bây giờ mọi thứ đều đã trở thành kí ức, một chuỗi kí ức đẹp nhưng buồn man mác. Tất cả ấy bây giờ chỉ còn tồn tại trong những suy nghĩ khôn nguôi và sẽ không bao giờ tắt trong Ân, theo Ân đến hết hành trình trở về chính mình.

2.5. Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong tiểu thuyết Sông

Tác phẩm được xây dựng bằng kết cấu mở, với một cái kết thúc buồn pha trộn sự huyền ảo, người đọc không thể biết chính xác là Ân hay Xu hoặc Phụng còn sống hay đã chết giữa cái rốn Túi ấy. Nguyễn Ngọc Tư đã bỏ dỡ cuộc đời họ dừng lại ngay giữa đó để bạn đọc tự cảm nhận và đồng sáng tạo. Có thể khẳng định rằng: với kiểu kết cấu này thì các sự kiện, chi tiết trong tác phẩm Sông bao gồm hiện thực và cả con người như được tạo thành một chỉnh thể giãn nỡ, biến đổi và người ta khó phân định được đâu là điểm kết thúc về cuộc đời, số phận của nhân vật. Bên cạnh kết cấu mở thì thế giới nhân vật trong tiểu thuyết này còn được Nguyễn Ngọc Tư xây dựng thông qua kiểu kết cấu ghép mảnh. Đọc Sông của Nguyễn Ngọc Tư ta thấy xuất hiện đồng thời của nhiều mảnh đời chứ không đơn thuần là một mảnh đời như những tác phẩm trước mà chị từng viết. Ngoài ra, kết cấu này còn được thể hiện thông qua việc xâu chuỗi nhiều vấn đề, đề tài trong cùng một tác phẩm: đồng tính, bi kịch gia đình, bình đẳng giới, ngược đãi trẻ em, tôn giáo, tệ nạn xã hội…và tất nhiên là phải kể đến yếu tố sex. Kết cấu này giúp người đọc có một cái nhìn tổng quan, đầy đủ hơn, chính xác hơn về con người và cuộc đời nhằm có những nhận định chính xác hơn về hành trình mà các nhân vật đang trải qua.

Không gian trong tiểu thuyết này không bao giờ đứng yên ở một vị trí nhất định mà luôn vận động, luân chuyển từ nơi này đến nơi khác. Đặt con người vào trong sự dịch chuyển không gian này, Nguyễn Ngọc Tư càng nhấn mạnh, tô đậm thêm sự mong manh, bất định của đời người. Con người đang chạy đua với cuộc đời để khẳng định bản thể bởi vì cuộc đời nó không bao giờ giờ đứng yên ở một điểm dừng trên một trục nhất định.

Bên cạnh ấy, thời gian trong Sông có sự đan xen, chồng chéo thời gian giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Sự tổ chức, sắp xếp thời gian như vậy nó đặt nhân vật vào một ranh giới không rõ ràng giữa hiện tại, quá khứ và tương lai; dễ làm cho nhân vật bị lung lay, mất phương hướng trên chặng đường vươn lên đi tìm những giá trị chân thật nhất cho bản thân mình. Đặc biệt, đóng góp đầu tiên khi xây dựng thế giới nhân vật trong tác phẩm phải kể đến đó là ngôn ngữ của người kể chuyện.

Với Sông thì ta thấy ở đây Nguyễn Ngọc Tư đã kể chuyện theo ngôi thứ ba, người kể chuyện giấu mình nhưng điểm nhìn và lời kể theo giọng điệu của nhân vật. Ngôn ngữ của người kể chuyện ở đây còn có sự đan xen giữa lời kể, tả, bình nhằm thể hiện sự cảm thông sâu sắc đối với từng mảnh đời được đề cập đến trong tác phẩm.

Ngôn ngữ nhân vật còn được thể hiện rõ nét qua những dòng độc thoại nội tâm của chính các nhân vật trong tác phẩm. Những dòng độc thoại nội tâm này chính là nơi để nhân vật thể hiện cảm xúc, tình cảm của mình nhiều nhất, từ đó cho độc giả thấy được nhân vật đang ở trong trạng thái như thế nào, đang suy nghĩ những gì về mình và hiện thực đang xảy ra. Đối thoại để nhân vật tự đưa ra những suy nghĩ, quan điểm của bản thân nhằm đi đến khẳng định mình với đời, khẳng định sự hiện tồn của mình trước cuộc đời.

Sông được viết bởi giọng điệu triết lí đầy suy tư, nó là phương tiện để nhân vật bộc lộ, trình bày những suy nghĩ, quan điểm, nhận định của mình trước những vấn đề đã và đang xảy ra đối với bản thân và trong cuộc sống hiện tại một cách khách quan và chủ quan. Bên cạnh chất giọng triết lí, suy ngẫm thì ta còn thấy ở Sông xuất hiện chất giọng trầm buồn, cảm thương. Nguyễn Ngọc Tư sử dụng chất giọng này trong tiểu thuyết một phần để bộc lộ sự cảm thông, thương xót cho số phận của các nhân vật, mặc khác cũng là để các nhân vật tự bộc lộ cảm xúc của mình trước hoàn cảnh, gắn kết những số phận lại với nhau để cùng nhau vượt lên trên thực tại khắc nghiệt của cuộc sống. Ngoài ra, với việc sử dụng giọng sắc lạnh, nhà văn đã góp thêm tiếng nói đa thanh vào nghệ thuật viết tiểu thuyết của mình. Giọng giễu nhại, hài hước cũng được Nguyễn Ngọc Tư sử dụng một cách khéo léo. Chất giọng này ngoài bề nổi là mang lại tiếng cười cho độc giả nhưng ẩn chứa đằng sau đó là sự chất chứa nhiều giá trị nhân văn nhân bản. Cụ thể là ngoài sự đùa cợt để giảm bớt nỗi buồn thì đó còn là sự mỉa mai chua cay của nhà văn đối với hiện thực cuộc đời mà con người đang tồn tại và chấp nhận sống trong.

Ngoài những nghệ thuật tiêu biểu trên thì để xây dựng thế giới nhân vật trong tác phẩm của mình, Nguyễn Ngọc Tư còn sử dụng một số thủ pháp nghệ thuật khác như xây dựng biểu tượng, thủ pháp huyền ảo…

3. KẾT LUẬN

Sông là sự vụn nát của những mảnh vỡ, mỗi số phận là một mảnh vỡ lăn lóc. Khát vọng kiếm tìm muôn thuở của con người trong cuộc sống nhiều bi kịch được gợi lên qua thế giới nhân vật của tiểu thuyết Sông là thành công đáng ghi nhận của Nguyễn Ngọc Tư. Và đáng ghi nhận nữa là sự vượt thoát khỏi những thể loại quen thuộc để làm mới mình của nhà văn - cũng là một cách vượt lên trên những giới hạn. Sông là câu chuyện của một lớp người trẻ hiện đại đi tìm cội nguồn và ý nghĩa tồn tại của mình ngay trên chính quê hương. Không hề nhắc tới chủ thuyết nhân sinh nào, nhưng với sức tưởng tượng như phù sa của dòng sông mẹ, tác giả đã để cho từng nhân vật trôi đi trong một thực tại đầy hư ảo của kiếp người với ám ảnh tồn tại hay không tồn tại? Đó mới là vấn đề. Sông khiến người đọc phải chậm rãi đến với từng câu chữ của tác phẩm mới có thể cảm nhận hết được. Nguyễn Ngọc Tư tìm tòi cái mới lạ, và dù phải nói rằng tác phẩm này chưa hẳn là tuyệt đỉnh thành công của cô (và chắc cô là người đầu tiên nhìn nhận như thế), đây vẫn là một cố gắng đáng ngưỡng mộ. Nguyễn Ngọc Tư đang tìm một hướng đi mới.

NGUYỄN THỊ KIM HẢO

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Hà An (2012), Độc giả đón nhận Sông của Nguyễn Ngọc Tư, http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/sach/lang-van/doc-gia-don-nhan-song-cua-nguyen-ngoc-tu-2134563.html.

2. Cao Việt Dũng (2012) , Sông và những cuộc bỏ đi, Báo Thanh Niên.

3. Trần Hữu Dũng (2012), Nguyễn Ngọc Tư và Sông, Báo Sài Gòn tiếp thị, http://www.viet-studies.info/NNTu/THDung_DocSong.htm.

4. Nguyễn Đức Tân (2012), Con người hiện sinh trong tiểu thuyết Sông của Nguyễn Ngọc Tư, Khóa luận tốt nghiệp, ĐHSP Huế.

5. Mai Anh Tuấn (2012), Đọc tiểu thuyết Sông của Nguyễn Ngọc Tư – khảo về sự biến mất, http://vienvanhoc.org.vn/noidung/tintuc/Lists/PheBinhVanHoc/.

6. Nguyễn Ngọc Tư (2012), Sông, Nxb Trẻ.


0 comments:

Post a Comment